Thành phố buồn

Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Không phải Đà Lạt, là Sài Gòn.

Nghe có vẻ lạ lẫm bởi chẳng ai nghĩ Sài Gòn là một thành phố buồn. Có lẽ đúng, Sài Gòn vẫn náo nhiệt, vẫn ồn ào nhất cả nước, nhưng cái sự buồn cũng đang dần xâm chiếm Sài Gòn vài năm trở lại đây. Một thành phố náo nhiệt, bỗng dưng sự náo nhiệt bớt đi thì đó là buồn. Chẳng cần phải những ngày lễ, ngày Tết, có thể nhận ra không khí rộn rã khắp nơi ở Sài Gòn những năm trước, luôn hừng hực như một ngọn lửa, dễ dàng len lỏi và thổi bùng lên những ngọn lửa nhỏ trong mỗi con người.

Sài Gòn đang giai đoạn chuyển mùa, thời tiết khá thất thường với những cơn mưa cuối mùa. Bầu trời thường nhiều mây và thi thoảng vẫn có những vạt nắng nhẹ vắt ngang qua những con phố. Gió không nhiều mà chỉ có những cơn mưa bất chợt. Những con phố hàng ngày vẫn tấp nập người qua kẻ lại ngày càng trở nên yên ắng hơn. Những vạt nắng lúc ẩn, lúc hiện, những cơn gió nhẹ bỗng chốc lại ùa lên, không làm “lạnh buốt tâm hồn” như những cơn gió chiều Đà Lạt nhưng cũng làm cho không gian trở nên lắng đọng và yên tĩnh lạ thường. Phải chăng, phía sau sự hào nhoáng, ồn ào vốn có và cũng là nét đặc trưng riêng của mình, Sài Gòn còn đi vào lòng người bằng cả sự nhẹ nhàng, mềm mại mà không mấy người nhận ra. Không phủ dầy sự cô liêu như Đà Lạt, không quá lãng đãng khiến lòng người vấn vương như Hà Nội, Sài Gòn chạm tới tâm hồn mỗi người bằng sự lãng mạn trong trẻo, thuần khiết một cách tự nhiên.

Một góc đường Đồng Khởi - Sài Gòn
Một góc đường Đồng Khởi, nhìn từ quán cafe MOJO

Không phải Chế Linh, là Đàm Vĩnh Hưng

Nói đến “Thành phố buồn” thì không thể không nhắc đến ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương. Ca khúc đã đã được đón nhận bởi nhiều thế hệ người Việt, và có lẽ đặc biệt là trong mỗi người con của thành phố mộng mơ Đà Lạt. Cho đến tận những năm cuối của thời kỳ bao cấp và những năm đầu mở cửa, “Thành phố buồn” cũng là ca khúc phổ biến và xuất hiện ở rất nhiều nơi. Từ quán cà phê, trong mỗi gia đình với chiếc radio cassette nhỏ và trong cả những buổi hội họp của thế hệ thanh niên trong những đêm mất điện. Cho đến tận ngày nay, trong môi trường âm nhạc vô cùng đa dạng với nhiều thể loại, phong cách và dòng nhạc mới, lâu lâu, đâu đó vẫn nghe văng vẳng giai điệu “Thành phố buồn” với nhiều hình thức thế hiện khác nhau. Và đây, bên cạnh những “Em đi rồi”, “Phút cuối”, “Thành phố buồn” là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Lam Phương.

Đàm Vĩnh Hưng
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Không thể nhớ rõ là mình đã nghe “Thành phố buồn” bao nhiêu lần, nhưng ca sĩ thể hiện gây một ấn tượng tốt nhất với mình là Đàm Vĩnh Hưng. Đã có nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công ca khúc này, mà nổi bật là Chế Linh, Tuấn Vũ, nhưng Đàm Vĩnh Hưng thực sự tạo ra một cảm xúc khác biệt. Không quá buồn thảm như Chế Linh và càng không xơ cứng và vô hồn như Tuấn Vũ, với chất giọng khàn đặc trưng cùng cảm nhận riêng về ca khúc, về thành phố buồn, Đàm Vĩnh Hưng đã tạo ra một bản “Thành phố buồn” với sức sống và cảm xúc của riêng mình.

Nam Lee – Sài Gòn mùa nước nổi

Leave a reply

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>