Cà phê “cóc” Sài Gòn – Cảm nhận !

Hình ảnh quen thuộc mỗi sáng

Mình chả biết từ “cóc” xuất phát từ đâu nhưng cũng tạm lấy tựa đề là “Cà phê cóc”. Mà mình thấy ai cũng đều gọi vậy cả. Có lẽ đây là  một trong không nhiều từ được dùng chung ở cả ba miền mà không sợ bị ….không hiểu, khái niệm địa phương, từ địa phương đã bị xóa nhòa. Đơn giản là “cóc” dùng khắp 3 miền đất nước. Hà Nội cũng gọi là cà phê “cóc”, quán “cóc”, Huế, cũng có cà phê “cóc”, quán “cóc”, Sài Gòn cũng quán “cóc”, cà phê “cóc” luôn. Đơn giản, mộc mạc, dễ hiểu nhưng tính chất mô tả vô cùng lớn. Ví dụ như: chợ cóc, thơ con cóc, ….đèn flash cóc (nhiếp ảnh) :-D . Chả thế mà nhà thơ Bùi Thanh Tuấn đã đưa hình ảnh quán cóc vào trong câu thơ của ông về Hà Nội, để rồi nhạc sĩ Trương Quý Hải tạo ra một ca khúc bất hủ về Hà Nội, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”.

Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô
Quán cóc liêu xiêu một câu thơ

Bác này là nhà thơ mà, thế nên ngồi quán cóc là ….liêu xiêu một câu thơ ngay. Mà mình đoán là bác ngồi quán cóc mới liêu xiêu được chứ ngồi quán “hoành tráng” có khi lại chẳng liêu xiêu được tẹo nào.  Mình không phải nhà thơ, mà cũng chả là nhà gì cả, nhưng cũng khoái quán cóc. Đúng hơn là khoái những gì chân chất, mộc mạc, giản dị. Thế nên dù ở bất kỳ đâu, địa chỉ quen thuộc của mình là những quán cóc ven đường. Hà Nội ngày xưa quán cóc hay lắm, trời mùa hè ngồi thì mát, mùa đông lại rất ấm cúng. Một chiếc bàn nhỏ, một ánh đèn dầu leo lét đủ để một anh nghiện thuốc có thể châm đóm, một hộp kính nhỏ đựng mấy bao Sông Cầu, Điện Biên. Có nơi có thêm kẹo bột, bánh rán,….Sướng nhất là mùa đông, trời rét căm căm, rẽ vào quán nhỏ gọi một chén trà nóng, ủ trong lòng bàn tay để cảm nhận hơi ấm ngấm dần vào da thịt, xua tan cái lạnh cắt buốt da thịt. Nó gần như là nét đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nội và đã đi vào thơ văn, cũng như nhiều loại hình sáng tác nghệ thuật khác như hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc.

Cà phê cóc Sài Gòn tại khu Cư xá Bắc Hải

Sài Gòn cũng vậy, nếu như những quán cóc ở Hà Nội là nét đặc trưng tiêu biểu, tạo nên đặc thù riêng biệt thì cà phê “cóc” Sài Gòn gần như là linh hồn của mảnh đất này. Không phủ nhận Sài Gòn có rất nhiều kiểu cà phê, trang trí, decor đẹp và hoành tráng, nhưng mang tính đặc trưng thì chỉ có cà phê cóc. Cà phê cóc ở khắp mọi nơi, mọi nẻo đường ngõ xóm, từ nhà, ra phố, vô hẻm,… đi đâu cũng gặp cà phê cóc. Gọi là cóc nhưng nó lại cũng đáp ứng đủ hầu hết những tầng lớp dân cư. Sang có, nghèo có, người già, người trẻ, thanh niên, học sinh, nam thanh, nữ tú đều đủ cả. Bác Ngọc Lễ ngồi “cà phê một mình” chắc cũng là ở quán cóc. Mình đoán vậy ! Thậm chí có người nghiện đến nỗi ngày nào cũng phải ngồi cà phê, nhưng phải là cóc, rủ vô cà phê hộp, bar thì vội xua tay ngay. Gì chứ những bác làm nghệ thuật, sáng tạo thì không thể bỏ được rồi. Chả thế mà quán cà phê Điện Ảnh trên đường  Nguyễn Đình Chiểu bao nhiêu năm vẫn vậy, nhưng lại tạo ra được style rất hay. Mình cũng lọ mọ chui vào đây mấy lần rồi, ngày có, đêm cũng có, không ồn ào, mình thích vậy.

Thế nhưng, những quán cà phê cóc giờ cũng đang bị lai. Mà lai luôn với mấy quán hộp. Thế mới tiếc. Sự yên tĩnh gần như biến mất tiêu và thay vào đó là nhạc sến, rên rỉ, u uất, nếu ko thì cũng nhạc bật ầm ầm, chả có style hay thể loại gì cả. Tiếc thay nếu mấy thứ nhí nhố này dần làm mất đi giá trị cà phê cóc của Sài Gòn, có thể gọi là nét văn hóa tiêu biểu của Sài Gòn. Nhưng có lẽ sẽ là thật, và trong tương lại gần, theo nhận định của mình nhưng cũng vẫn hy vọng là sẽ không xảy ra, để một lúc nào đó, nhìn vào một bức ảnh, có thể nói ngay được :”Đây là cà phê cóc Sài Gòn!!”.

Một bàn cà phê cóc bên vỉa hè. Cà phê đá luôn kèm theo 1 ấm trà.
Khi uống hết cà phê, bạn rót trà vào ly và ….uống tiếp.

Phục vụ đủ loại khách hàng, từ cổ cồn đến những người lao động bình dân

Những cô hàng cà phê cần mẫn như những con ong chăm chỉ…

Cả ngày lẫn đêm, ly cafe dường như luôn đồng hành với mỗi người, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

Leave a reply

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>