Cân bằng trắng (white balance), dễ thôi!

Cân bằng trắng là một khái niệm đã có từ lâu trong video. Nếu bạn đã từng làm việc trong lĩnh vực quay video thì bạn đã khá quen thuộc và hiểu rõ khái niệm, tuy nhiên nếu bạn lần đầu tiên nghe tới khái niệm này nhất là trong chụp ảnh bằng máy kỹ thuật số thì nghe có vẻ khó hiểu. Đối với đa số các máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp thì nhà sản xuất đã cung cấp sẵn cho bạn các tùy chọn, hoặc cách tạo cân bằng trắng trước mỗi show chụp. Làm như thế nào để thiết lập thông số/tùy chọn cân bằng trắng trực tiếp trên máy nằm ngoài mục đích của bài viết này. Ở đây, tôi chỉ nêu kinh nghiệm của mình trong việc tạo cân bằng trắng khi các nỗ lực thực hiện trên máy không đạt như ý muốn. Lý do là đôi khi trong các trường hợp cụ thể máy móc cũng ngu ngơ nên đòi hỏi chúng ta phải xắn tay vào việc.

Ghi chú:

  • Mục đích: Cân bằng trắng đơn giản và nhanh nhất.
  • Kết quả: Cân bằng trắng đa số các hình ảnh chụp trong các điều kiện ánh sáng thông thường.
  • Yêu cầu: Bạn cần hiểu rõ máy và sử dụng thành thạo máy ảnh của bạn, có hiểu biết căn bản về Adobe Photoshop hay các chương trình hiệu chỉnh ảnh của bạn.
  • Chương trình sử dụng: Adobe Photoshop, Adobe Elements, Phase One, Rawshooter, Bibble Labs, hay bất cứ chương trình hiệu chỉnh ảnh nào có hỗ trợ “Click white balance”

Bài viết chủ yếu dành cho hình ảnh chụp bằng máy kỹ thuật số, tuy nhiên có thể áp dụng được cho hình ảnh chụp bằng film hay hình scan. Tốt nhất là cho hình ảnh chụp bằng máy kỹ thuật số ở định dạng Digital Negative ví dụ .CRW.

Bài viết chỉ mang tính chất trao đổi thông tin. Người viết không chịu trách nhiệm về bất cứ thiệt hại nào do áp dụng những thông tin này dưới mọi hình thức.

Đối với đa số người nhiếp ảnh thì việc đạt được những hình ảnh có màu sắc trung thực là hết sức quan trọng, nhất là đối với những người chụp ảnh sản phẩm, khi mà yêu cầu màu sắc trung thực là một phần không thể thiếu trong các tác phẩm của mình.

Có nhiều cách để đạt được cân bằng trắng từ đơn giản tới phức tạp, như sử dụng máy đo nhiệt độ màu, sử dụng bảng màu chuyên nhiệp (Color Checker của GraytagMacbeth hay của các hãng khác, hình 1&2). Đối với việc sử dụng máy đo nhiệt độ màu chuyên nghiệp thì ngoài việc chi phí cao, tương đối phức tạp trong sử dụng thì việc sử dụng thiết bị này trong trường hợp có nhiều nguồn sáng khác nhau cho kết quả không khả quan hơn là mấy.

Việc sử dụng Color Checker thì phức tạp hơn đòi hỏi người sử dụng phải am hiểu tương đối các chương trình xử lý ảnh chuyên nghiệp và nguyên lý màu, tuy nhiên cho kết quả cao hơn nhiều. Nếu có thời gian tôi sẽ trình bày cách sử dụng Color Checker và xử lý chi tiết trong các bài viết tới. Trong phạm vi bài này tôi xin trình bày cách đơn giản và nhanh nhất để có một bức ảnh cân bằng trắng trong đa số các trường hợp thông thường. Tôi sẽ dùng chương trình Adobe Photoshop để minh họa cho bài này. Nguyên lý chung cũng được áp dụng cho các chương trình xử lý ảnh khác nêu trên, tuy có khác đôi chút về các bước tiến hành và yêu cầu.

Hình 1 – Sử dụng Color Checker, trước khi cân bằng

Hình 2 – Sử dụng Color Checker, sau khi cân bằng

Một bức ảnh được coi là cân bằng trắng khi/nếu trong bức ảnh có vùng có màu sắc trung tính (vùng màu sắc nằm trong thang độ xám, gray scale). Nói cách khác nếu ảnh thể hiện trong không gian màu RGB (Red, Green, Blue) thì trị số của các kênh màu tại các vùng này là bằng nhau (xem các thông số, info, trong hình 2). Điều này chỉ đúng khi các vùng nói trên đúng sáng (correct exposure) hay không dư sáng (một hay toàn bộ trị số của kênh màu đạt chỉ số 255) hay không hoàn toàn thiếu sáng (một hay toàn bộ trị số của kênh màu đạt trị số 0). Vậy trong các trường hợp không có màu trung tính trong bức ảnh thì sao? Đơn giản, thêm vào bức ảnh những vùng này.

Ok, dài dòng thế là đủ bây giờ tôi xin đi vào chi tiết. Như đã nói, nếu bạn CHẮC CHẮN trong bức ảnh sắp chụp có những vùng trung tính (ví dụ như áo xám, phông xám…) thì coi như mọi việc đã ổn. Nếu không thì hãy sử dụng một miếng giấy/bìa xám, tốt nhất là sử dụng Kodak Gray Card 18%, đặt vào trong chủ đề. Đặt miếng bìa này ở đâu tốt nhất để rõ nét, không bị dư hoặc thiếu sáng và dễ xóa đi nếu chẳng may bạn chọn chính bức ảnh có những thứ linh tinh này làm bức ảnh chính là tùy ở bạn (hình 3). Chụp ít nhất một bức ảnh mà bạn vừa sắp đặt, tốt nhất là nên làm bracketing cho chắc chắn. Sau đó bạn lấy miếng bìa ra và chụp lại chủ đề hoặc toàn bộ các chủ đề khác của buổi chụp (shooting session). Lưu ý là nếu nguồn sáng thay đổi khiến cho có sự thay đổi về nhiệt độ màu, thì bạn nên làm lại những bước nêu trên đặc biệt là trong trường hợp bạn không có cơ hội để chụp lại chủ đề.

Hình 3 – Sử dụng bìa màu xám, trước khi cân chỉnh.

Sau khi bạn đã có được bức ảnh với miếng card xám như trên thì bước còn lại là mở file ảnh ra trong Photoshop. Chọn Image – Duplicate… nhập vào tên file mới và OK. Sở dĩ tôi khuyên bạn nên làm như thế để đảm bảo bạn vẫn còn file gốc. Sau này nhỡ có thay đổi gì thì bạn cũng còn có thể làm lại từ đầu. Bạn có thể dùng Adjustment Layer thay cho việc này nhưng chắc ăn nhất là lưu lại bản gốc và làm việc trên bản copy.

Chọn Level Adjustment trong Image – Adjustments – Level… (phím tắt Ctrl+L). Click và “Set Gray Point” (số 1 trong hình 4). Sau đó bạn click vào phần card xám (số 2 trong hình 4)… xong (khoan nhấn OK nhé)! Bạn đã có bức ảnh được cân bằng trắng trong như trong hình 5.

Hình 4 – Set Gray Point cho bức ảnh

Hình 5 – Kết quả sau khi cân bằng trắng sử dụng bìa màu xám

Vấn đề là bây giờ làm sao bạn áp dụng cân bằng trắng này khi mà trong các bức ảnh khác của CÙNG một điều kiện ánh sáng chụp như nhau. Rất may là Photoshop cho phép ta làm điều đó một cách dễ dàng.
Theo như trên thì bạn chưa chọn OK phải không? Nếu bạn đã chọn thì phải trở lại từ đầu cho tới sau khi bạn click vào phần card xám.

Khi cửa sổ Level vẫn còn mở thì bạn “Save…”, Photoshop sẽ cho phép bạn lưu lại các thông số bạn vừa có dưới định dạng .ALV.

Sau khi chọn “Save…” bạn điền tên file (tôi đặt tên cho file vừa chọn là canbangtrang1) và chọn folder để lưu. Sau khi lưu xong bạn nhấn nút “Cancel” trên cửa sổ Level Adjustment đừng nhấn OK.

Để xem các thao tác của bạn vừa rồi có tác dụng không bạn chọn lại Level Adjustment (Ctrl+L hay Image-Adjustments-Level…). Tại cửa sổ của Level Adjustment click “Load…” bạn hãy chọn file bạn vừa Save trong bước trước (với tôi đó là file canbangtrang1.ALV).

Nếu bức ảnh của bạn thay đổi như những gì bạn đã thấy trong bước trước thì coi như bạn đã thành công (để thấy được các thay đổi trong quá trình thực hiện bạn phải bật tùy chọn “Preview” phía dưới của cửa sổ Level Adjustment).

Mọi việc đối với các bức ảnh khác có cùng một điều kiện ánh sáng như bức ảnh bạn vừa hiệu chỉnh cũng sẽ được tiến hành tương tự. Cụ thể, mở bức ảnh lên, chọn Level Adjustment  Load…  Chọn file (canbangtrang.ALV)  OK. Nếu bạn làm đúng như những gì tôi đã nêu thì chắc chắn bạn cũng có được kết quả giống như tôi.

Bạn có thể chọn cân bằng trắng trong các chương trình còn lại nêu trên bằng cách click vào công cụ Click white balance và click vào phần màu xám của hình hoặc click vào card xám tương tự như nêu trên.
Việc áp dụng các thiết lập cân bằng trắng cho tất cả các ảnh trong cùng một điều kiện chụp trong mỗi chương trình mỗi khác nhau, bạn cần tham khảo tài liệu của chương trình để áp dụng thích hợp. Trong trường hợp có nhiều người yêu cầu và có thời gian tôi sẽ viết cụ thể chi tiết cách thực hiện trong các chương trình đã nêu.

By Pro_One – vnphoto.net member

Leave a reply

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>